*Giới thiệu:
Tập thứ tư trong bộ hồi ký 4 tập 60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự của sư cô Thích Nữ Chân Không, một trong sáu vị đệ tử đầu tiên thọ giới Tiếp Hiện với Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tập sách ghi lại những trao đổi giữa “bác sĩ” Cần Thơ (ký danh của Sư cô) với nhà thơ Hoàng Cầm. Sư cô biết đến Hoàng Cầm lần đầu là khi Sư ông giảng về tập thơ Tiếng hát quan họ, rồi sau đó đã xúc động sâu sắc khi đọc bài thơ Em bé lên sáu. Tiếng gọi của thơ Hoàng Cầm đã gây thiện cảm đặc biệt tới Sư cô. Từ đây, Sư cô đã tìm mọi cách để “bắc một chiếc cầu” liên lạc với nhà thơ. Trong giai đoạn lịch sử đầy khó khăn đối với các văn nghệ sĩ, Sư cô đã nhẹ nhàng, tỉ mỉ viết từng dòng thư tưới tẩm những hạt giống yêu thương, hạt giống hạnh phúc, khuyến khích, động viên với mong muốn khơi dậy lại nguồn cảm hứng sáng tác của nhà thơ.
"Tôi biết được Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn là nhờ Thầy cho chúng tôi đọc và giảng cho chúng tôi về tập thơ Tiếng hát Quan họ của thi sĩ.
Hôm đó tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, thầy trò đi mua được một số sách của các nhà văn và học giả miền Nam và một tập thơ của Hoàng Cầm, tập Tiếng hát Quan họ Xem Tranh Đông Hồ và nghe Thầy giảng thơ, bình ca dao Việt Nam thì tôi mới thấy được giá trị của nền văn học dân gian qua ca dao, dân ca và tranh dân gian thân thương gần gũi.
Tập thơ quá hay, độc giả đọc qua sẽ thấy ngay ngụ ý của thi sĩ: Dù thời nào - thời phong kiến hay thời đại mới - thì cũng có những người khắt khe, bắt bẻ những trái tim thơ ngây, ép buộc những tâm hồn phong phú nghệ thuật vào khung giáo điều, đạo đức. Khuôn phép càng nhiều càng giết chết sự sống thơ ngây phong phú của thi ca và nghệ thuật. Nếu cụ lý trưởng thời phong kiến cấm trai gái yêu đương thì cụ “lý trưởng” đời nay cũng giết chết nghệ thuật văn chương thi ca bằng những giáo điều như vậy.
Sau đó tôi được đọc bài thơ Em bé lên sáu của Hoàng Cầm. Bài thơ kể về một chị cán bộ đang nấu cơm chiều trong nhà thì thấy một đứa bé lên sáu đói khát, ỏng eo, quá tội nghiệp. Bố nó là địa chủ, mẹ nó thì đã di tản vào Nam. Chị thấy nó ốm xanh và đói rét, nhớ lại khi còn nhỏ, chị cũng đã từng trải qua cảnh ngộ này, đã từng đứng liếm lá ngoài chợ, liếm những tấm lá còn sót chút chất ngọt béo của thức ăn khi người ta ăn xong vứt đi. Chị cán bộ liền đem chút cơm nguội cho nó ăn. Nhưng sau đó chị bị cấp trên bắt viết bài tự phê bình kiểm điểm vì đã nuôi một thằng bé con địa chủ. Chị chong đèn nhưng tìm hoài vẫn không thấy bóng dáng người địa chủ gian ác nào trong em bé gầy còm đói khát đó. Chị chỉ thấy thằng bé bị bỏ lại một mình, bơ vơ và đói. Bắt chị làm kiểm điểm, chị không biết kiểm điểm cái gì. Bài thơ Em bé lên sáu đó đã đánh động niềm thương xót trong tôi."
----------------------------------